Review sách Buồng tắm – Jean Philippe Toussaint

 

SUY TƯỞNG CỦA MỘT CON NGƯỜI KHÔNG CÒN THIẾT THA SỐNG VỘI

Nếu bạn đọc “Buồng tắm” mà chẳng hiểu gì, chắc là bạn sẽ cần đến bài viết này.

Buồng tắm” chỉ có hơn một trăm trang, nội dung chỉ vỏn vẹn xoay quanh một người đàn ông (nhất định không chịu nói mình tên là gì”, chỉ thấy thoải mái khi ngồi trong buồng tắm, bèn chuyển cả thư viện của mình vào buồng tắm định bụng sống luôn trong đó. Nhưng rồi cuộc đời mà, anh ta vẫn phải ra khỏi buồng tắm, để rồi lạc trôi tít tận đâu đó, rồi lại quay trở về, để rồi lại ra đi.

Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay đem lại tiếng tăm và tên tuổi cho Jean-Philippe Toussaint, được giới phê bình nước Pháp tán tụng. Nhưng phải thành thật mà nói, văn học Pháp chưa bao giờ là chiếc bánh của mình. Mình có thể đọc và hiểu nhưng không thích nó như Trà hoa nữ, hoặc có thể đọc và hoàn toàn không hiểu gì như khi đọc Modiano. “Buồng tắm” với mình là trường hợp đầu tiên: Đọc, hiểu, nhưng không tìm ra điểm nào để yêu thích.

Cuốn tiểu thuyết bao gồm ba phần tách biệt: Paris – Cạnh huyền – Paris, tương ứng với giai đoạn nhân vật chính ở trong bồn tắm (tại Paris quê nhà), rời bồn tắm, và lại quay trở về. Mỗi một phần được Jean-Philippe Toussaint chia làm nhiều đoạn nhỏ, mỗi đoạn được đánh số lần lượt từ 1. Số đoạn được đánh số trong các phần lần lượt là: 40, 80 và 50. Ở phần đề từ, ông trích lại một định lý toán học: “Bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh còn lại”. Bằng cách triển khai bố cục tiểu thuyết rất đặc biệt, tác giả đã khéo léo ám chỉ cuộc đời của nhân vật chính là một điều vô nghĩa, không đáp ứng được những điều tưởng chừng như đã là định lý. 

Cuốn sách tràn ngập màu sắc phi lý nhưng có thể khiến bất kì độc giả nào cảm thấy hồ nghi bởi một ý đồ nào đó của tác giả. Nhân vật chính của “Buồng tắm” là một người đàn ông hờ hững với nhịp sống của xã hội. “Buồng tắm là nơi (anh ta) cảm thấy thoải mái nhất”. Anh vốn không định ở lại bồn tắm quá lâu, nhưng sự dễ chịu mà nơi chốn ấy đem lại khiến anh quyết định chuyển hẳn thư viện của mình vào đó, mặc cho những lời can ngăn và khuyên bảo của người thân. Nhất quyết là thế, anh lại quyết định rời khỏi nơi yêu dấu ấy chỉ bởi nhận được lời mời dự tiệc của Đại sứ quán Áo – một nơi anh chắc mẩm đã gửi nhầm thiệp mời cho mình.

Không còn bắt kịp nhịp sống hối hả, nhân vật “tôi” khao khát cái “bất động” đến cùng tận. Thậm chí không thể nắm bắt được cái “bất động” trong bồn tắm, anh chạy trốn tới Ý. Trong những cơn suy tưởng tới ám ảnh của anh, anh nhận ra mình không thể có được trạng thái bất động: bên ngoài mọi thứ tất xê dịch, kể cả bên trong cơ thể cũng là những chuyển động vô phương cảm nhận. 

Bằng việc kết thúc cuốn tiểu thuyết giống với đoạn mở đầu, Jean-Philippe Toussaint tạo ra một vòng tròn lặp đi lặp lại cho nhân vật “tôi”: Dù muốn tĩnh tại, anh sẽ không ngừng trở về “bồn tắm” – nơi anh cảm thấy dễ chịu nhất và bước ra khỏi đó, để chạy trốn, để kiếm tìm một điều gì có nghĩa, để rồi lại trở về.

Sách thì ngắn, thử đọc thật ra cũng không mất gì.
Nếu bạn là người yêu thích văn học Pháp thì thử xem nhé.

Bạn có thể tìm mua sách thật ở đây để ủng hộ NXB nhé.

Cảm ơn bạn đã đọc review.

Nhận xét