Review sách Con trai phù thuỷ – Kelly Barnhill

 

Con trai phù thuỷ” là một cuốn fantasy cùng tác giả với cuốn tiểu thuyết “Cô bé uống ánh trắng” – cuốn tiểu thuyết đoạt Huân chương Newbery (Một giải thưởng mình chấm được rất nhiều cuốn sách hay, điển hình trong đó là cuốn “Hố” mà gần đây mọi người hay tìm đọc).

Thật ra mình chưa đọc cuốn “Cô bé uống ánh trăng” mà quyết định đọc “Con trai phù thuỷ” trước vì thích bìa của sách quá😄 lại đang trong cơn muốn đọc fantasy nữa. Sau khi đọc xong “Con trai phù thuỷ”, dù không được như kỳ vọng, mình vẫn sẽ thử đọc “Cô bé uống ánh trăng”.

Con trai phù thuỷ” là một câu truyện fantasy nhưng mang màu sắc cổ tích. Truyện kể rằng ở một làng nọ có một người phụ nữ điều khiển được phép thuật. Dân làng gọi bà là phù thuỷ. Họ cần đến bà nhưng cũng khiếp sợ và xa lánh gia đình bà. Bà có hai đứa con trai vô cùng đáng yêu và ngoan ngoãn.

Thật không may rằng trong một lần chơi đùa cùng nhau, hai đứa trẻ bị đuối nước và chỉ có thể cứu được một đứa. Nữ phù thuỷ đã phá vỡ lời hứa của mình với “Phép thuật” – một thực thể tráo trở và khôn lường, rằng bà sẽ chỉ sử dụng phép thuật để cứu người, không vụ lợi cá nhân, để cứu lấy đứa con trai còn lại đang thoi thóp của mình.

Người con trai vẫn sống, nhưng cậu luôn yếu đuối và mắc tật nói lắp từ đó. Người ta bảo rằng người con trai tốt hơn đã chết mất rồi.

Thế nhưng số phận đã có một hành trình định sẵn cho cậu, rằng cậu sẽ là hi vọng duy nhất để hoá giải tất cả mọi điều liên quan đến Phép Thuật mà mẹ cậu đang canh giữ.

Con trai phù thủy” ngay từ những dòng đầu tiên đã mang không khí u tối. Các nhân vật trong truyện cũng có những ẩn ức đè nặng. Cậu bé con trai phù thủy mang gánh nặng là người sống sót, gánh nặng của mặc cảm, khi người ta coi cậu mới là kẻ xứng đáng bị chết đuối để người anh sinh đôi của cậu được sống. Hay cô bé ở tuyến truyện song song, luôn có sự đấu tranh dằn vặt khi cha mình là một tên cướp. Dù cha chăm sóc và lo nghĩ cho cô bé, cô vẫn không thể ngừng trông thấy những cảnh tượng đáng sợ khi cha mình hô hào toán cướp sau mỗi trận càn quét hay cảnh cha mình giấu diếm vàng bạc châu báu cho mình.

Văn phong của cuốn sách có màu sắc cổ tích, từ cách dẫn dắt rất “ngày xửa ngày xưa” đến các nhân vật như phù thủy, nữ hoàng, nhà vua,… và đương nhiên không thể không kể đến cách tác giả tạo nên cả một câu chuyện và tính cách cho Phép Thuật.

Tuy nhiên điểm trừ mình phải nhắc đến ở cuốn này cũng chính là văn phong. Nhiều khi tác giả quá tập trung vào tình tiết truyện và cố tạo cho văn phong một màu sắc cổ tích khiến cho câu chữ thiếu cảm xúc. Mình đọc để theo dõi câu truyện là chính, không phủ nhận câu chuyện khá sâu sắc và có ý nghĩa, tuy vậy nếu văn phong mượt mà tình cảm hơn thì mình sẽ bị cuốn hút vào mạch truyện hơn.

Dù trải nghiệm với cuốn “Con trai phù thủy” không được xuất sắc như kỳ vọng, mình sẽ vẫn thử đọc cuốn nổi nhất của tác giả là “Cô bé uống ánh trắng”. Hy vọng là cuốn sách sẽ đáp ứng được kỳ vọng của mình ^^

Bạn có thể tìm mua sách thật ở đây để ủng hộ NXB nhé

Cảm ơn bạn đã đọc review.

Nhận xét