Review sách Huyễn tưởng về trí tuệ nhân tạo – Gary Smith
Hôm nay đến lượt một cuốn khá mới về AI – Huyễn tưởng về trí tuệ nhân tạo nhé. Cuốn này mình khá thích nên mình review liền sau khi đọc xong. (Xong rồi giờ mới chụp ảnh để up đây T_T)
The AI Delusion – Huyễn tưởng về trí tuệ nhân tạo đặt ra vấn đề: AI có thông minh tới mức con người có thể giao cho chúng những quyết định quan trọng trong cuộc sống của mình? Chúng liệu có thể lật đổ sự thống trị của loài người để trở thành thủ lĩnh của một thời đại mới trong tương lai?
Nghe “Trí tuệ nhân tạo” có vẻ dễ hiểu. Nhưng đừng quá tự tin vì chưa chắc bạn đã hiểu đúng về ngành này. Chỉ mất chưa đến 1s, mình có ngay khoảng 25 triệu kết quả với từ khóa “Trí tuệ nhân tạo là gì” và tới 750 triệu kết quả cho từ khóa “Artificial Intelligence” trên Google.
Bỏ qua một kết quả được chạy ads, mình click vào kết quả hàng đầu, thậm chí trên cả Wikipedia. Vị trí vàng này thuộc về trang web của Điện máy xanh (Yay cho team SEO của Điện máy xanh nào!).
Tại trang web này, trí tuệ nhân tạo được định nghĩa là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, là một loại trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Trí tuệ nhân tạo khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình là ở việc ứng dụng các hệ thống học máy (machine learning) để mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính.
Cuốn sách “Huyễn tưởng trí tuệ nhân tạo” lật lại vấn đề và cho rằng cách AI hoạt động hoàn toàn khác xa cách con người suy nghĩ, từ đó không thể gọi AI là mô phỏng trí tuệ của con người, cũng từ đó không thể nói AI là “intelligent” – thông minh.
Từ chương đầu tới khoảng chương 4, tác giả dùng rất nhiều ví dụ thực tế để giải thích một cách dễ hiểu cách thức trí tuệ nhân tạo hoạt động và cách chúng đưa ra kết quả cuối cùng. Tác giả khẳng định robot đã vượt xa con người trong các nhiệm vụ đơn điệu lặp đi lặp lại, chúng có bộ nhớ tốt hơn, thực hiện các phép tính chính xác hơn và không biết mệt mỏi. Nhưng trí tuệ nhân tạo không được lập trình để mô phỏng bộ não con người và trí tuệ nhân tạo không thể tư duy, lập luận và loại suy. Từ đó, tác giả khẳng định cho đến giờ máy tính có trí thông minh bao quát đủ để cạnh tranh với con người chưa tồn tại.
Phần này khá dễ đọc, bạn đọc mới tiếp cận với các khái niệm của khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo đều có thể đọc được. Sau khi đọc phần này, bạn sẽ hiểu khái quát và tương đối cách AI hoạt động và “suy nghĩ”, và làm thế nào để chúng có thể chơi cờ, giải toán hay thậm chí ra được những kết quả dự đoán tương lai.
Từ chương 5 trở đi, tác giả bắt đầu đưa vào nhiều khái niệm, kiến thức và mô hình của thống kê để chứng minh rằng bằng chứng thống kê (các con số mà máy móc đưa ra) là không đủ để phân biệt giữa kiến thức thật và giả. Máy tính hoàn toàn không thể đánh giá chính xác sự tương quan đó là ngẫu nhiên hay thực sự có ý nghĩa. Công việc đó chỉ dành cho trí tuệ của con người.
Nửa sau của cuốn sách “hardcore” hơn nhưng nếu bạn đã từng học môn Xác xuất thống kê ở trường đại học (và tuyệt hơn nữa là môn Econometrics ) thì việc đọc hiểu các mô hình trong phần này không phải là vấn đề quá khó khăn. Nếu không thì việc hiểu được các mô hình ở phần này sẽ khá chật vật đấy.
Có một điểm trừ phải nhắc tới là cuốn sách được viết từ năm 2018, và thật ra ngành AI đang phát triển từng ngày, nên khá dễ hiểu khi vài chi tiết và ví dụ trong sách đã hơi lỗi thời. Khi đọc mình có search và đối chiếu lại để đảm bảo cập nhật lại kiến thức trong sách.
Tuy vậy về cơ bản cuốn sách vẫn rất thú vị và giúp mình hiểu rõ hơn cách vận hành của một AI, không còn nhầm lẫn việc tạo một mô hình có thể tính ra căn bậc hai hay biết hát khi mình bảo “Sing me a song” là AI
Đọc đến đây bạn có thể nảy ra một thắc mắc “Liệu Siri hay Alexa có phải AI không?”. Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có một hiệu ứng khá thú vị có tên AI effect – Đại loại là khi một công nghệ trí tuệ nhân tạo nào đó trở nên phổ biến và thông dụng, người ta dần không còn coi đó là một điều gì đó kì diệu ghê gớm và xếp vào hàng “Trí tuệ nhân tạo”. Rõ ràng, trí tuệ nhân tạo thì phải là một thứ gì đó suy nghĩ tinh vi như con người, chứ không thể chỉ là những phép tính được thử đi thử lại, phải không?
“Siri có phải AI không” cũng là một câu hỏi gây tranh cãi vì lý do trên đấy các bạn ạ. Muốn biết AI là gì, vậy thì “giải ngố” bằng Huyễn tưởng về trí tuệ nhân tạo nhé
Tóm lại, mình sẽ khuyên đọc cuốn này cho ai:
- Những bạn thích và quan tâm tới Trí tuệ nhân tạo
- Những bạn còn đang nghĩ Trí tuệ nhân tạo là một thứ gì đó rất nguy hiểm và bí ẩn (Như trong phim Westworld – btw cũng là một bộ phim hay tuyệt đỉnh luôn ấy)
- Sinh viên các khối ngành kinh tế và tài chính, đặc biệt là các bạn có định hướng về phân tích data.
- Sinh viên và các bạn quan tâm đến ngành digital marketing và quảng cáo: thời đại big data, ngành digital marketing phải tiếp cận với cả tá số liệu về hành vi người dùng và AI phân tích số liệu đang được ứng dụng nhiều lắm nhé.
Bạn có thể mua sách thật ở đây để ủng hộ NXB nhé
Cảm ơn các bạn đã đọc review
Nhận xét
Đăng nhận xét