Review sách Tiếng chuông gọi người tình trở về – Nguyễn Thị Hoàng

“Và cứ thế, cho đến bao giờ tiếng chuông gọi người tình trở về đã lịm tắt đi. Tình yêu vốn không tai nghe, nên cũng chẳng cần tiếng gọi. Khi còn gọi tên, khi chuông còn gióng giả, là lòng còn nông nổi tình còn u mê.”

Cảm giác đọc được một cuốn sách đúng ý mình, vào đúng thời điểm mình cần cũng hạnh phúc ngang với gặp được một người tri kỷ mình đã chờ đợi từ lâu. Giống như việc không có ai làm bạn được với tất cả mọi người, sách cũng cần tìm được đúng người đọc.

Dù đã biết tới Nguyễn Thị Hoàng và tác phẩm nổi tiếng, cũng tai tiếng nhất của bà “Vòng tay học trò”, mình không dành nhiều sự quan tâm đến cả 5 cuốn mới tái bản của bà bởi từ những ý kiến nhận xét mình thu nhặt được, mình có một định kiến rằng mình sẽ không hợp với giọng văn của bà.

Thế rồi trong một chiều mưa, nhiều chuyện ập đến khiến tâm trạng mình như một miếng giẻ ngập nước, tình cờ mở “Tiếng chuông gọi người tình trở về” và đọc đúng một trang đầu tiên, mình đã quyết định mua ngay về để đọc.

“Suốt một tuần nay tôi không hề thấy chị cười, và cũng chẳng thấy chị khóc, nếu là chị, tôi sẽ khóc ngất đi, hoặc cười như điên, và tìm cách giải phóng đời mình, ngay tức khắc, sao chị lại như vậy, trong mặt chị giống như những con người mẫu xinh đẹp lạnh lùng trong tiệm bán hàng áo dài, đến nỗi tôi trông phải sợ và ganh, sợ vẻ dửng dưng ngấm ngầm toan tính của chị, và ganh với những niềm êm dịu, những nguồn an ủi, mênh mông thầm kín nào chị cảm thấy trong lòng…”

Bà Hoàng có kiểu viết rất đặc biệt. Câu của bà thường rất dài, có khi kéo dài cả trang giấy nhưng lại có nhạc điệu nên câu văn đọc trầm bổng, da diết. Bà ưa dùng những từ rất mạnh mà gợi hình, khiến mình ngay lập tức bị thu hút. Cách bà diễn tả ý tứ cũng rất đẹp tới nỗi vừa đọc mình vừa tấm tắc cảm phục.

Tiếng chuông gọi người tình trở về” là câu chuyện của một tình yêu đã đi qua thuở mặn nồng. Đời sống vợ chồng của Bằng và Huyền bỗng lạc lõng đi. Mở đầu câu chuyện là những lời phẫn nộ cảm thán của em chồng Huyền, em gái Bằng. Bằng đã bỏ nhà đi, kiếm tìm hay bỏ chạy điều gì đó. Huyền đắm chìm trong khổ đau và tương tư người chồng, chìm trong những ký ức xưa cũ về Huyền, về Bằng, về họ, về người tình của Bằng.

“Buổi trưa bỗng đánh thức trong tâm trí chìm ngập mê sảng một thoáng nhớ nhung lênh đênh cao vút về một thời diễm kiều tuổi ngà đã mất. Nhớ mình và nhớ những ai ai không hình bóng,  không dư vang. Chỉ biết vọng lên ở trong lòng, nỗi buồn rưng rức không đủ ngân lên đầu mi một giọt nước mắt tủi mừng vừa chợt tìm thấy mình xưa trở lại …”

Cuốn sách không chú tâm vào cốt truyện. Có lẽ người đọc hoàn toàn có thể tóm tắt nội dung cuốn sách trong một tới hai câu, vậy thôi. Điều mình cảm thấy thấm vào tâm can nhất khi đọc “Tiếng chuông gọi người tình trở về” là cách mà bà Hoàng diễn tả tâm lý phức tạp mà cũng rất đỗi giản đơn của phụ nữ. Cái cách Huyền ngóng trông ra ngõ chỉ để chờ mong tiếng chuông khe khẽ trên cổng báo hiệu một người trở về, cái cách Huyền bủa ra đường giữa những tiếng đạn bom để mong mỏi tìm được chút tin tức của Bằng, cái cách cô tìm được chồng rồi chợt nhận ra điều mình chờ mong chẳng phải người chồng mà là một hình bóng xa xưa mặn nồng, là hồi chuông gióng giả yêu thương xưa cũ; … tất cả đều rất tinh tế.

Nhiều bạn chắc sẽ cảm thấy văn của bà Hoàng như cố để tô vẽ cho đậm, bởi bà liên tiếp dùng những tính từ mạnh, liên tục diễn tả, liên tục nối tiếp câu văn của mình bằng những cụm từ mới. Mình nghĩ khi mình đang vui vẻ có lẽ đọc sẽ có cảm giác tương tự như vậy. Nhưng khi được gặp bà Hoàng, mình gạt bỏ được tất cả những định kiến ấy. Bà nhẹ nhàng thướt tha, bà nói cũng giống như lúc bà viết, đẹp và đầy nhạc tính. Con người bà sao, văn của bà vậy, không một chút tô vẽ.

Nghe nói “Vòng tay học trò” được Nhã Nam đề nghị mua còn bốn cuốn còn lại do bà Nguyễn Thị Hoàng chọn trong hơn ba mươi tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của bà. Chẳng hay có phải là chủ ý không mà mình thấy mỗi một cuốn sách trong bộ năm lại đại diện cho một quãng khác nhau của một mối quan hệ: tâm hồn trẻ thanh tao khao khát được yêu thương (Một ngày rồi thôi), thuở đầu mặn nồng nhưng bị cấm cản (Vòng tay học trò), mới kết hôn (Tuần trăng mật màu xanh), đôi vợ chồng trẻ (Cuộc tình trong ngục thất), đã phôi pha (Tiếng chuông gọi người tình trở về). Nếu bạn yêu thích những câu văn đẹp, những câu chuyện tâm lý yêu đương thật tinh tế thì thử đọc nhé.

Khép cuốn sách lại, mình lại chờ một chiều mưa để đọc tiếp một cuốn sách khác của bà.

Bạn có thể tìm mua sách thật ở đây để ủng hộ nxb nhé.

Cảm ơn bạn đã đọc review. 

Nhận xét